Chủ quan với vết gai đâm
3 ngày trước khi nhập viện, ông T.V.T (55 tuổi, trú tại Thanh Hóa) có lội xuống đầm tôm và bị gai đâm vào cẳng chân trái. Ban đầu, vết thương chỉ là một nốt tròn nhỏ.
Bệnh nhân nghĩ là vết thương bình thường nên chủ quan không xem đánh giá và đi thăm khám. Tuy nhiên, 2 ngày sau vùng tổn thương bắt đầu sưng phồng, phù nề, bề mặt sần sùi và nhanh chóng lan rộng dọc theo cẳng chân. Các bóng nước cũng xuất hiện rải rác khắp chân.
Khi ông bắt đầu khó thở, tụt huyết áp và không thể tự thở, gia đình mới đưa ông đến bệnh viện.
Bệnh nhân nhanh chóng rơi vào sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp nặng và được chuyển viện tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Chân bệnh nhân hoại tử tím đen (Ảnh: BVCC)
Tại thời điểm nhập viện Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tổn thương da của bệnh nhân đã lan sang cả hai chân, có dấu hiệu tiến lên vùng đùi và tay với tốc độ rất nhanh. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm mô bào lan tỏa, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng; phải đặt ống nội khí quản, thở máy và lọc máu liên tục.
Được biết, ông có tiền sử đái tháo đường nặng, trước đó đang được kiểm soát ổn định. Các chỉ số xét nghiệm phản ánh rõ mức độ nguy kịch, suy đa tạng, rối loạn toan chuyển hoá…
Hiện tại, toàn bộ chân trái bệnh nhân đã hoại tử lan rộng, chuyển sang màu tím đen sẫm – biểu hiện điển hình của hoại tử mô sâu. Cẳng chân phù to gần gấp rưỡi kích thước bình thường, căng cứng, bề mặt da biến dạng, bóng nhẫy, loang lổ những mảng màu tím – đen xen kẽ. Bàn chân tím bầm, các ngón cong vẹo, móng dày sừng, đổi màu đen sẫm do hoại tử.
Viêm mô bào nguy hiểm ra sao?
ThS.BS Lê Sơn Việt – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cảnh báo: “Viêm mô bào là một bệnh nhiễm khuẩn mô mềm, có thể khởi phát từ những vết thương rất nhỏ nhưng diễn tiến cực kỳ nhanh, đặc biệt nguy hiểm ở người có bệnh nền như đái tháo đường. Vi khuẩn lan theo mô dưới da và hệ bạch huyết, gây viêm lan tỏa, hoại tử cơ – gân – mô mềm. Nếu không điều trị kịp thời, hậu quả có thể là nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và tử vong”.
Trường hợp của bệnh nhân T, tổn thương lan nhanh với tốc độ đáng báo động: từ cổ chân, hoại tử lan dọc bắp chân, vượt qua gối và tiếp tục tiến lên vùng đùi chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ. Mức độ tiến triển có thể quan sát thấy rõ bằng mắt thường, thay đổi từng giờ. Ở chi còn lại, các mảng da sậm màu cũng đã xuất hiện và có xu hướng lan rộng – cảnh báo nguy cơ hoại tử toàn thân.
Bệnh nhân hiện đang được hồi sức tích cực bằng lọc máu liên tục, thở máy, kháng sinh phổ rộng liều cao và thuốc vận mạch. Tuy nhiên, tiên lượng vẫn rất dè dặt, nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Việt nhấn mạnh thêm, viêm mô bào hiện chưa có vaccine hay thuốc dự phòng đặc hiệu. Người dân – đặc biệt là những người có bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch – cần hết sức thận trọng khi tiếp xúc với môi trường tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn (như đầm lầy, ruộng nước, bùn đất…).
Hiện nay, khi tham gia lao động nhiều người chủ quan không mang theo các thiết bị bảo hộ dẫn tới vết thương. Và khi có vết thương nhỏ như gai đâm lại không xử lý sát trùng kỹ dẫn tới những hệ luỵ nguy hiểm tới tính mạng như bệnh nhân T.
Bác sĩ khuyến cáo khi khi lội ruộng, ao, đầm cần luôn mang đồ bảo hộ. Nếu có vết thương ngoài da, cần rửa sạch, sát trùng kỹ. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đỏ, sưng, nóng, đau, nổi bóng nước lan nhanh, cần đến cơ sở y tế ngay. Viêm mô bào tiến triển rất nhanh, nếu điều trị muộn có thể dẫn đến hoại tử, cắt cụt chi, thậm chí tử vong do sốc nhiễm khuẩn.