Theo Thông tư 26 vừa được Bộ Y tế ban hành, việc kê đơn thuốc điện tử trở thành bắt buộc, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quản lý điều trị và sử dụng thuốc.
Thông tư có hiệu lực từ 1/7, song quy định về kê đơn thuốc điện tử sẽ được triển khai theo lộ trình. Giai đoạn đầu từ ngày 1/10 áp dụng tại tất cả bệnh viện. Đến 1/1/2026 mở rộng quy định bắt buộc này với toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh khác.

Nhân viên y tế hướng dẫn người bệnh mua thuốc theo đơn tại một bệnh viện ở Hà Nội. (Ảnh: Như Loan)
Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), khi đơn thuốc điện tử được liên thông với hệ thống quản lý dược quốc gia, mọi giao dịch bán thuốc sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
“Những đơn nào được bán đến đâu, thuốc nào bán sai, cơ quan quản lý đều có thể theo dõi”, ông nói. Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, nhất là kháng sinh vẫn diễn ra phổ biến và gây nhiều hệ lụy.
Với đơn thuốc điện tử, chỉ khi có mã QR hợp lệ, người bệnh mới mua được thuốc đúng loại, đúng liều lượng. Các dữ liệu này còn giúp phát hiện sớm hành vi kê sai đơn, lạm dụng thuốc, hoặc bán thuốc khi không có đơn.
Bên cạnh đó, đơn thuốc điện tử sẽ tích hợp nhiều thông tin cá nhân hơn. Người bệnh cần cung cấp số định danh cá nhân, CCCD hoặc hộ chiếu, đây là điều kiện bắt buộc trên đơn thuốc từ nay. Nếu đã khai số định danh, hệ thống sẽ tự động đồng bộ các thông tin như giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú, giúp rút ngắn thời gian kê đơn và hạn chế sai sót hành chính.
“Thông tin kê đơn sẽ không chỉ phục vụ một lần mà là nền tảng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử thống nhất, phục vụ điều trị liên tục và quản lý sức khỏe lâu dài cho người dân”, ông Dương nói.
Để tăng tính minh bạch, Thông tư 26 yêu cầu bác sĩ ghi rõ số thuốc dùng mỗi lần, số lần trong ngày, số ngày điều trị, tránh tình trạng ghi chung chung hoặc để bệnh nhân tự điều chỉnh liều. Các quy định liên quan đến thuốc gây nghiện, hướng thần, thuốc tiền chất… cũng được làm rõ, đặc biệt trong trường hợp người bệnh không dùng hết hoặc đã tử vong.
Ngoài ra, thông tư cũng bám sát Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, yêu cầu chỉ kê đơn thuốc khi thực sự cần thiết, đúng bệnh, đúng người và đúng chỉ định. “Bác sĩ chỉ được kê đơn khi thực sự cần thiết, tránh mọi hình thức lạm dụng”, ông Dương nhấn mạnh.
Việc chuyển đổi từ đơn giấy sang đơn điện tử không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà còn thể hiện bước tiến lớn trong cách quản lý thuốc và chăm sóc sức khỏe, khi mỗi đơn thuốc giờ đây đều để lại “dấu vết số” – không thể sửa, không thể xóa, và không thể bán sai.