“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” – câu nói quen thuộc của ông bà xưa vẫn luôn đúng, nhưng không phải ai cũng nhận ra điều đó kịp thời. Với nhiều người Việt, việc khám sức khỏe định kỳ vẫn là điều xa vời, nhất là khi cuộc sống bận rộn với công việc và gia đình. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Nga, một nhân viên văn phòng, 33 tuổi tại TP.HCM, là một minh chứng sống về giá trị của việc thăm khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe chủ động.
Khi những dấu hiệu bất thường bị bỏ qua
Năm 2022, sau khi sinh con trai đầu lòng được nửa năm, chị Nga bắt đầu nhận thấy cơ thể có những thay đổi bất thường. Giọng nói khàn đi, cổ họng thường xuyên khó chịu, có lúc cảm giác như bị nghẹn. Là một người phụ nữ bận rộn, vừa đi làm, vừa chăm con nhỏ và lo việc nhà, chị nghĩ đó chỉ là những triệu chứng bình thường do mệt mỏi, stress hoặc thay đổi nội tiết sau sinh.
Ảnh minh họa
“Lúc đó tôi nghĩ chắc không có gì nghiêm trọng, cứ để vài tháng xem sao. Với lại, chăm con nhỏ đã chiếm hết thời gian, sức khỏe cũng không gặp bất thường gì lớn, tôi chẳng nghĩ đến việc đi bác sĩ”, chị Nga chia sẻ.
Thói quen bỏ qua dấu hiệu sức khỏe không phải là chuyện hiếm. Theo các bác sĩ, nhiều người Việt Nam chỉ đi khám khi bệnh đã có biểu hiện rõ ràng, khiến việc điều trị trở nên phức tạp và tốn kém hơn. May mắn thay, công ty của chị Nga tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho nhân viên, và chính lần khám này đã thay đổi cuộc đời chị.
Phát hiện bất ngờ khi khám sức khỏe định kỳ
Trong đợt khám sức khỏe tại công ty vào cuối tháng 12 năm 2022, kết quả siêu âm tuyến giáp của chị Nga cho thấy, một nhân giảm âm đáng nghi ngờ xuất hiện. Bác sĩ khuyên chị nên đến chuyên khoa nội tiết của các bệnh viên để kiểm tra chuyên sâu thêm. Tuy nhiên, vì bận rộn và vẫn mang tâm lý “chắc không sao”, chị Nga chần chừ.
Về nhà, chị vẫn duy trì lối sinh hoạt bình thường, đi làm chăm con, đi ngủ trước 23h tối. Thấy cơ thể không có bất thường hay đau đớn gì, chị Nga yên tâm bỏ qua luôn lời dặn dò của bác sĩ.
Phải đến nửa năm sau, trong đợt khám sức khỏe định kỳ tiếp theo, kết quả siêu âm khiến chị sững sờ: Khi siêu âm tuyến giáp, bác sĩ phát hiện trường hợp của Nga có nhân thùy trái tuyến giáp (TIRADS 4 – Korean 2021), hạch nhóm VI hai bên, đã có dấu hiệu di căn. Kết hợp với kết quả siêu âm và chẩn đoán của bác sĩ đã khám trước đó, bác sĩ chuyên khoa nội tiết hiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh và yêu cầu chị Nga sắp xếp để mổ ngay vì bệnh đã ở giai đoạn nặng.
“Khi nghe bác sĩ thông báo, tôi như chết lặng. Tôi không ngờ những triệu chứng tưởng chừng nhỏ nhặt lại là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng. Bác sĩ nói, tế bào ung thư đã có dấu hiệu di căn. Nhưng vẫn còn cơ hội điều trị. Lúc đó, tôi chỉ biết trách mình đã không đi khám ngay sau kỳ khám sức khỏe định kỳ trước”, chị Nga kể lại.
Hành trình vượt qua bệnh tật
May mắn thay, các bác sĩ cho biết bệnh của chị Nga vẫn còn cơ hội xử lý kịp thời.
Ung thư tuyến giáp là quá trình tăng trưởng bất thường của tế bào tuyến giáp và không được kiểm soát, việc phát triển quá mức sẽ khiến tuyến giáp chèn ép các cơ quan chung quanh. Ung thư tuyến giáp có rất nhiều loại trong đó ung thư tuyến giáp dạng nhú chiếm khoảng trên 70% và ung thư tuyến giáp dạng nang, đây là 2 loại ung thư có khả năng điều trị khỏi. Với thể tủy thì thường sẽ di căn nhanh và rất khó điều trị. Ung thư tuyến giáp thường di căn đến hai nơi là hạch dùng, di căn đến xương bả vai, xương cánh chậu…
Kết quả chẩn đoán, chị Nga mắc ung thư tuyến giáp thể nhú, và có thể điều trị khỏi. Chị Nga được sắp xếp phẫu thuật ngay, cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Hai tuần sau ca mổ, sức khỏe của chị dần ổn định và bắt đầu hồi phục. “Bác sĩ nói tôi may mắn vì bệnh chưa di căn xa. Nếu để lâu hơn, mọi chuyện có thể đã khác”, chị Nga bộc bạch.

Ảnh minh họa
Sau ca phẫu thuật, chị Nga tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ, từ chế độ ăn uống đến tái khám định kỳ. Sau đó, suốt năm 2023 – 2024, sức khỏe của Nga vẫn khá ổn. Đến nay, cuộc sống của chị đã trở lại bình thường. Nhìn chị bây giờ, ít ai nghĩ rằng chị từng đối mặt với một căn bệnh hiểm nghèo. Chị Nga chia sẻ: “May mắn thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo, tôi cảm thấy biết ơn vì đã đi khám sức khỏe định kỳ và phát hiện bệnh kịp thời. Nếu không có buổi khám sức khỏe định kỳ, có lẽ tôi đã không nhận ra vấn đề sức khỏe sớm như vậy.”
Bài học về chăm sóc sức khỏe chủ động
Câu chuyện của chị Nga là một lời nhắc nhở rằng sức khỏe là tài sản quý giá nhất, nhưng cũng dễ bị lãng quên trong guồng quay cuộc sống. Theo các chuyên gia y tế, khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần mỗi năm là cách hiệu quả nhất để phát hiện sớm các vấn đề bất thường, đặc biệt là các bệnh lý như ung thư tuyến giáp, vốn thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu.
Nhiều bệnh nhân chỉ đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn hơn và chi phí tăng cao. Khám sức khỏe định kỳ không chỉ giúp phát hiện bệnh sớm mà còn tiết kiệm thời gian, tiền bạc và bảo vệ chất lượng cuộc sống.

Ảnh minh họa
Từ trải nghiệm của bản thân, chị Nga giờ đây không chỉ chăm sóc sức khỏe cho mình mà còn khuyến khích cả gia đình đi khám định kỳ. “Tôi muốn mọi người xung quanh mình, đặc biệt là những người thân, hiểu rằng sức khỏe là điều không thể xem nhẹ. Chỉ cần dành một chút thời gian mỗi năm để kiểm tra, chúng ta có thể tránh được những rủi ro không đáng có”, chị nói.
Câu chuyện của chị Nga nhắc nhở mỗi chúng ta về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe chủ động. Đừng chờ đến khi cơ thể “lên tiếng” mới bắt đầu hành động. Đừng quên dành thời gian khám sức khỏe định kỳ, không chỉ cho bản thân mà còn cho những người thân yêu. Một thói quen nhỏ hôm nay có thể mang lại một tương lai khỏe mạnh và hạnh phúc mai sau.