Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội cho biết bà vẫn chưa thể quên trường hợp của vị khách đặc biệt tên Hưng (*) – một giám đốc doanh nghiệp hơn 50 tuổi, có vóc dáng to lớn, phong độ, nhưng mang nỗi buồn sâu kín.
Ông Hưng đã 4 lần tới trung tâm để xét nghiệm quan hệ huyết thống với 4 mẫu khác nhau. Mỗi lần mang mẫu đến, ông đều rất hy vọng mình có con trai, gia đình có cháu đích tôn.
Theo ông Hưng, ông đã từng có một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, vợ chồng ông mãi không có con dù đã chạy chữa khắp nơi. Hơn 15 năm chữa trị không có kết quả, hôn nhân của ông cũng rạn nứt.
Trong một lần trò chuyện với bạn bè, ông được bạn khuyên “tìm người phụ nữ khác, biết đâu lại có con”. Ban đầu, ông chỉ coi đó là câu nói đùa, nhưng rồi dần dà ông cũng chọn rẽ hướng. Ông Hưng quyết định ly hôn với vợ và bắt đầu tìm kiếm hy vọng làm cha từ những mối quan hệ mới.
Ảnh minh hoạ.
4 lần xét nghiệm ADN, 4 lần tổn thương
Ở vị trí giám đốc doanh nghiệp, không thiếu phụ nữ trẻ sẵn lòng ở bên cạnh ông Hưng. Bốn người phụ nữ đến với ông sau đó đều lần lượt mang thai, sinh con và mỗi lần như vậy, ông lại ngỡ đã chạm tay vào giấc mơ làm cha.
“Lần đầu có con, tôi tưởng cuộc đời mình sang trang. Tôi nuôi nấng, chăm sóc, yêu thương đứa trẻ… Thế nhưng, khi đứa trẻ lớn dần lên, con ngày càng không giống tôi. Những lời dị nghị xung quanh khiến tôi phải đi xét nghiệm ADN”, ông Hưng chia sẻ.
Để giải toả nghi ngờ, ông Hưng đã quyết định đi xét nghiệm ADN. Kết quả khiến ông chết lặng, đứa con trai ông nâng niu không cùng huyết thống với ông.
Tưởng chỉ một lần đen đủi nên ông Hưng tiếp tục hy vọng và tiến vào mối quan hệ với những người phụ nữ sau. Mỗi lần một đứa trẻ ra đời, ông lại lặng lẽ đi xét nghiệm ADN nhưng lần nào cũng nhận về kết quả không cùng huyết thống.
“Đau lắm chứ. Mỗi lần nhận kết quả xét nghiệm ADN, tôi như gục ngã. Đến lần này (lần thứ tư), tôi không chịu nổi nữa. Tôi thà sống mà không có con còn hơn sống trong ảo tưởng và bị lừa dối hết lần này đến lần khác”, ông Hưng chia sẻ với bà Nga.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, không ít người đàn ông rơi vào hoàn cảnh tương tự như ông Hưng. Dù đã được chẩn đoán vô sinh nhưng họ vẫn cố tìm mọi lý do để không tin điều đó. Họ đổ lỗi cho vợ hoặc người khác và dấn sâu vào hành trình tìm kiếm các mối quan hệ mới để chứng minh mình vẫn còn khả năng sinh sản.
“Không dễ dàng để một người đàn ông thừa nhận mình vô sinh nhưng nếu không dũng cảm chấp nhận, họ có thể đánh mất thêm nhiều thứ hơn, ví dụ như: hôn nhân, lòng tin và cả sự thanh thản trong tâm hồn”, bà Nga chia sẻ.
Theo bà Nga trong tình huống này, thay vì cố tìm hy vọng mơ hồ, người đàn ông nên tiếp cận các phương án nhân đạo như xin tinh trùng từ ngân hàng hoặc nhận con nuôi. Những đứa trẻ ấy vẫn có thể mang lại tình yêu thương trọn vẹn và ý nghĩa làm cha theo cách khác.
Chọn cách đối diện với sự thật thay vì chạy trốn có thể chính là sự giải thoát cho những người như ông Hưng.
(*): Tên nhân vật đã được thay đổi.