Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình trưởng thành, thông minh, thành công và hạnh phúc. Nhưng không phải cứ đầu tư nhiều tiền bạc, mua cho con những thứ tốt nhất là đủ.
Theo bà Susan Dominus, giáo sư nổi tiếng tại Đại học Yale và biên tập viên của Tạp chí New York Times, sự khác biệt nằm ở cách nuôi dạy, đặc biệt trong chính những hành động nhỏ hàng ngày của cha mẹ. Trong quá trình nghiên cứu và viết cuốn sách nổi tiếng The Family Dynamic: A Journey Into the Mystery of Sibling Success, bà đã phỏng vấn hàng trăm chuyên gia và nhiều gia đình có con đạt thành tích vượt trội.
Kết quả chỉ ra, có 5 thói quen phổ biến mà các bậc phụ huynh, đặc biệt là người bố, có thể làm để nuôi dạy những đứa trẻ thông minh và thành công hơn.
1. Bố gieo vào con niềm lạc quan
Điều đầu tiên mà bà Susan Dominus nhận thấy chính là sức mạnh của sự lạc quan. Dù có cung cấp cho con môi trường học tập hiện đại, giáo trình ưu tú hay các lớp học thêm đắt đỏ, nhưng nếu con không tin vào bản thân, tất cả những nỗ lực đó đều trở nên vô nghĩa.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, trẻ lớn lên trong gia đình có bố mẹ thường xuyên khích lệ, tạo dựng niềm tin và khơi gợi suy nghĩ tích cực sẽ tự tin hơn khi trưởng thành.
Người bố đóng vai trò quan trọng khi mỗi lời động viên, mỗi câu chuyện kể về những thử thách mà chính bố đã vượt qua đều gieo vào con một niềm tin rằng: “Mình cũng sẽ làm được.” Sự lạc quan giúp con không dễ bỏ cuộc, sẵn sàng đón nhận thất bại như một phần tất yếu của thành công.
2. Bố hiểu con để tạo động lực học tập đúng cách
Một sai lầm phổ biến của nhiều cha mẹ là chỉ chú trọng kết quả học tập mà quên đi cảm xúc của con. Khi con chán nản, bố mẹ thường trách mắng hoặc ép buộc, trong khi điều con cần thực ra là một sự đồng cảm và định hướng khéo léo.
Bà Susan Dominus dẫn lại một nghiên cứu thú vị cho thấy: khi cha mẹ biết liên kết việc học với sở thích, ước mơ của trẻ, con sẽ có động lực học tốt hơn.
Ví dụ, thay vì chỉ nói “con phải học Toán giỏi để được điểm cao”, người bố có thể đặt vấn đề: “Khi con trở thành kỹ sư xây dựng cây cầu đẹp nhất thành phố, kỹ năng Toán sẽ giúp con thực hiện điều đó dễ dàng hơn.” Sự khéo léo này giúp trẻ nhận ra rằng kiến thức không khô khan, mà thực sự hữu ích để con hiện thực hóa giấc mơ.
Những người bố thông minh biết lắng nghe, hiểu ước mơ của con và kiên nhẫn giúp con thấy được ý nghĩa thực tế của việc học. Đó chính là nền tảng tạo nên những đứa trẻ không chỉ học giỏi mà còn ham học hỏi.
3. Bố trao quyền, để con tự lập từ những điều nhỏ nhất
Trong thời đại cạnh tranh hiện nay, không ít phụ huynh chọn cách “quản lý” con chặt chẽ, vô tình khiến con trở nên thụ động, thiếu tự chủ. Ngược lại, theo bà Dominus, trong những gia đình có con thành công, cha mẹ, đặc biệt là bố, đóng vai trò “người quan sát”, không can thiệp quá nhiều vào quá trình học tập, giải quyết vấn đề của con.
Người bố khéo léo sẽ chủ động lùi lại, để con được tự mình khám phá, tự ra quyết định, thậm chí tự đối mặt với thất bại nhỏ. Chính những trải nghiệm này giúp con rèn tính kiên trì, khả năng giải quyết vấn đề. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng cho thành công lâu dài. Khi được bố tin tưởng giao nhiệm vụ, trẻ không chỉ cảm thấy mình có năng lực mà còn phát triển sự tự lập, chủ động trong mọi việc.
4. Bố nuôi dưỡng trí tò mò, khuyến khích khám phá
Sự khác biệt giữa một đứa trẻ ham học và một đứa trẻ học gạo nằm ở khả năng duy trì sự tò mò. Theo các chuyên gia tâm lý học phát triển được bà Dominus phỏng vấn, sau đại dịch Covid-19, một yếu tố được đánh giá cao trong thành công của trẻ là “tinh thần ham học hỏi suốt đời”.
Ở đây, vai trò của người bố đặc biệt quan trọng. Bố có thể cùng con khám phá thiên nhiên, đọc sách, cùng nhau xây dựng mô hình, hoặc trải nghiệm những chuyến đi xa. Tất cả đều là cơ hội để nuôi dưỡng trí tò mò. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ thường xuyên được bố mẹ dẫn đi khám phá những điều mới mẻ sẽ có khả năng học hỏi nhanh hơn, sáng tạo hơn.

Đặc biệt, việc bố dành thời gian chất lượng cho con không chỉ giúp con khám phá thế giới, mà còn giúp sợi dây kết nối gia đình thêm bền chặt. Những ký ức tuổi thơ này chính là nguồn cảm hứng lâu dài giúp trẻ tự tin chinh phục tri thức.
5. Bố yêu thương và đồng hành, không tạo áp lực
Cuối cùng, điều làm nên sự khác biệt của những người bố giúp con thành công chính là tình yêu thương vô điều kiện. Họ không ép buộc con đạt thành tích bằng mọi giá mà luôn đồng hành, cổ vũ con nỗ lực vì chính bản thân mình.
Điển hình như câu chuyện của đạo diễn Broadway nổi tiếng Diane Paulus, được bà Dominus nhắc đến. Mẹ của cô không can thiệp vào các quyết định của con, chỉ quan sát con lớn lên, lựa chọn đam mê riêng mà không đặt ra kỳ vọng quá mức. Chính sự “theo dõi không mong cầu” này đã tạo cho Diane không gian phát triển, tự do theo đuổi điều mình yêu thích.
Người bố cũng vậy. Khi sẵn sàng chấp nhận cả những lúc con thất bại, bố đã dạy con bài học quan trọng nhất: “Giá trị của con không nằm ở điểm số mà ở quá trình cố gắng.” Tình yêu thương trở thành động lực bền vững, giúp trẻ phát triển toàn diện mà không bị cuốn vào vòng xoáy áp lực thành tích.