Mới đây, Bệnh viện E tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 42 tuổi, làm trong lĩnh vực báo chí, nhập viện trong tình trạng tiểu buốt, tiểu máu dữ dội. Bệnh nhân cho biết đã bị nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn trong nhiều tháng. Những biểu hiện ban đầu chỉ là tiểu dắt nhẹ nhưng do chủ quan, tự điều trị nên bệnh của chị dần trở nên trầm trọng hơn.
Các đợt tái phát đến nhanh và nặng nề hơn đợt trước gây khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống. Bệnh nhân chia sẻ trong nước mắt: “Đã có lúc tôi chỉ mong chết đi cho xong vì sự khó chịu khủng khiếp mỗi lần đi tiểu”.
Bác sĩ Mai Văn Lực – Khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) – cho biết tại thời điểm nhập viện, kết quả siêu âm ghi nhận thành bàng quang dày bất thường (khoảng 6mm), không có sỏi, hai thận bình thường. Xét nghiệm nước tiểu cho thấy tình trạng viêm rõ rệt với số lượng bạch cầu niệu 500 bc/µL, hồng cầu niệu 200 hc/µL, Nitrite dương tính. Đồng thời, khám chuyên khoa sản phát hiện bệnh nhân bị viêm âm đạo phối hợp – một nguyên nhân thường bị bỏ sót ở nữ giới.
“Thủ phạm” gây bệnh được xác định là tình trạng viêm đường tiết niệu và viêm âm đạo. Bệnh nhân được chỉ định điều trị kết hợp cả hai tình trạng trên, thực hiện cấy khuẩn nước tiểu, sử dụng kháng sinh phù hợp và hướng dẫn chi tiết chế độ sinh hoạt, bao gồm tập đi tiểu đúng cách và biện pháp phòng ngừa tái phát.
Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân hoàn toàn hồi phục. Các triệu chứng tiểu buốt, tiểu máu biến mất, nước tiểu trong, tâm lý được giải tỏa đáng kể.
Bác sĩ cho biết, trong những ngày hè oi bức, số ca viêm đường tiết niệu nhập viện tại Khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu và Nam học – Bệnh viện E đang có xu hướng gia tăng rõ rệt, đặc biệt là ở nữ giới. Đây là tình trạng phổ biến nhưng dễ bị xem nhẹ, có thể dẫn đến hệ quả nghiêm trọng như viêm thận, viêm bể thận… nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Kết quả siêu âm của bệnh nhân.
Chuỗi thói quen tai hại khiến bệnh nặng thêm
Bác sĩ Lực cho biết bệnh nhân thừa nhận bản thân thường xuyên không uống đủ nước. Tuy nhiên, nước lại là yếu tố quan trọng giúp làm loãng nước tiểu và rửa trôi vi khuẩn trong đường niệu. Theo bác sĩ thói quen xấu này của bệnh nhân không chỉ gây bệnh đường tiết niệu mà còn có thể ảnh hưởng tới thận, tăng nguy cơ mắc sỏi thận, gây tổn thương thận.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thói quen mặc đồ chật, thiếu thông thoáng. Điều này gây bí bách ở vùng kín, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Qua điều tra tiền sử bệnh, bác sĩ còn phát hiện trước khi tới viện khám, bệnh nhân đã tự chẩn đoán và dùng thuốc không kê đơn.
Cụ thể, ngay từ những lần đầu có biểu hiện tiểu buốt, bệnh nhân đã tự mua thuốc kháng sinh điều trị viêm đường tiết niệu. Điều này có thể khiến bệnh thuyên giảm tạm thời nhưng sau đó nhanh chóng tái phát với mức độ nặng hơn. Bệnh nhân cũng đã bỏ lỡ thời điểm “vàng” để điều trị triệt để bệnh.
Theo bác sĩ, bệnh nhân mắc 3 sai lầm phổ biến, góp phần khiến tình trạng bệnh diễn biến nặng và kéo dài dai dẳng.
Phòng ngừa bệnh viêm đường tiết niệu
Bác sĩ Lực khuyến cáo người dân, đặc biệt là nữ giới, cần lưu ý một số điều sau để phòng ngừa và điều trị hiệu quả viêm đường tiết niệu, giữ gìn chức năng thận:
– Uống đủ nước mỗi ngày: Nên uống nước theo công thức 0,4 lít/10kg thể trọng, uống đều trong ngày (mỗi lần khoảng 100–200ml, cách nhau 2 giờ), tránh uống dồn một lúc.
– Không tự chẩn đoán, không tự mua thuốc: Các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu dắt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc dùng thuốc không đúng chỉ khiến bệnh dai dẳng, tăng nguy cơ kháng thuốc.
– Khám chuyên khoa sớm: Khi có triệu chứng bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa thận – tiết niệu để được xét nghiệm và chẩn đoán chính xác.
– Tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị: Bệnh nhân vẫn cần dùng hết liệu trình thuốc và tái khám đúng hẹn để đảm bảo điều trị dứt điểm bệnh.
– Lựa chọn trang phục, vệ sinh cá nhân đúng cách: Lựa chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát; sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, tránh các sản phẩm gây kích ứng hoặc xà phòng mạnh.