Có một câu hỏi: “Trong giao tiếp giữa người với người, nguyên tắc quan trọng nhất không được bỏ qua là gì?”
Một câu trả lời được nhiều lượt thích đã chỉ rõ thực tế: “Mối quan hệ giữa người với người muốn duy trì ổn định và phát triển, dựa vào sự tương đồng, thu hút và sự cho đi từ hai phía, chứ không phải là sự lấy lòng đơn phương hay cảm động đạo đức kiểu tự mình xúc động.”
Thật sâu sắc. Khi đã thấy nhiều sự phức tạp của lòng người, trải qua những thay đổi của tình cảm, bạn sẽ hiểu: Những mối quan hệ khiến bạn mệt mỏi và tổn hao tinh thần, những cảm xúc khiến cuộc sống bạn rối như tơ vò, chỉ mang đến cho bạn hết cơn giông tố này đến cơn giông tố khác.
Một mối quan hệ bền vững không thể thiếu sự đồng điệu trong tâm hồn, sự cân bằng trong giá trị và sự gắn kết sâu sắc trong nội tâm.
Dù là bạn bè, người thân hay người yêu, nếu khi bạn ở bên ai đó mà người ấy không mang lại cho bạn giá trị cảm xúc, khi bạn gặp khó khăn lại làm ngơ, cũng không đem đến sự đồng hành tích cực, thì chi bằng sớm buông bỏ để cuộc sống nhẹ nhõm hơn.
Trên đường đời, học cách buông bỏ kịp thời, rút lui đúng lúc, mới là trí tuệ để tự cứu lấy chính mình. Sau tuổi trung niên mới hiểu được: Tất cả những mối quan hệ thoải mái, đều là những mối quan hệ không tiêu hao.
Trong tác phẩm có tên “Mời uống trà”, tác giả kể lại một câu chuyện cũ: Cha bà khi còn trẻ là một luật sư nổi tiếng, thường xuyên có người đến nhà nhờ giúp đỡ hoặc nhờ ông biện hộ. Điều khác biệt là: có người sau khi được giúp thì luôn ghi nhớ ân tình, suốt đời cảm kích; Còn có người chỉ biết trục lợi, thậm chí còn tìm cách quỵt cả chi phí pháp lý.
Một người bạn học của tác giả từng nhờ cha bà giúp tranh chấp tài sản thừa kế. Sau khi thắng kiện, cô ấy trở thành một tiểu thư giàu có. Nhưng sau khi nhận được tiền, người bạn ấy không hề nhắc đến phí kiện tụng, cũng không nói một lời cảm ơn với cha của tác giả, hành xử như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Điều này khiến cha con bà cảm thấy lạnh lòng, nhưng cha bà lại nghĩ, có lẽ cô ấy còn trẻ, chưa hiểu chuyện, nên cũng không để tâm quá nhiều.
Vài chục năm sau, cha bà đã già, sức khỏe suy giảm, lại thêm bệnh tật, không còn hành nghề luật được nữa. Đúng lúc đó, người bạn học ấy lại mặt dày đến nhà hỏi ý kiến pháp luật, sau khi được tư vấn lại giống như xưa, không nhắc đến chi phí gì, chỉ muốn được lợi về mình.
Tác giả không khỏi cảm thán: Vì sao con người lại có thể khác biệt đến thế? Trong lòng đầy nghi hoặc: “Tại sao người này nhờ cha tôi giúp mà có được hơn ngàn mẫu ruộng tốt, suốt hai mươi năm chỉ nhớ cái lợi mình có, mà không nghĩ đến cảnh cha tôi già yếu, bệnh tật, vẫn đến bóc lột chất xám của ông…”
Từ đó trở đi, bà nhìn rõ hơn về quan hệ giữa người với người, cũng học được cách chọn lọc và buông bỏ trong các mối quan hệ.
Không trải qua việc, sẽ không hiểu người; khi có lợi ích mới thấy lòng người thật sự.
Nghĩ kỹ mà xem, trong đời sống hiện thực, những tình huống như vậy không hề hiếm: Trong một mối quan hệ, bạn không tiếc thời gian và công sức để giúp đỡ đối phương, luôn nghĩ cho họ trước, nhưng họ không những không cảm kích, mà còn cho rằng sự cống hiến của bạn là điều hiển nhiên. Lâu dần, họ nhận được giá trị cảm xúc, có được sự hỗ trợ về kinh tế, thậm chí còn được tiếp thêm năng lượng tích cực. Còn bạn – người luôn mang ý tốt – lại bị tiêu hao năng lượng dài hạn, kiệt sức cả về tinh thần và thể chất.
Giao tiếp giữa người với người nên là sự đồng hành hai chiều, cùng nuôi dưỡng lẫn nhau, chứ không phải là vắt kiệt năng lượng của một người để thỏa mãn nhu cầu của người kia.
Một nhà văn nói rất đúng: “Một mối quan hệ tồi không chỉ tiêu hao năng lượng của bạn, mà còn làm cạn kiệt tình cảm, sức sống, động lực và các chức năng của cơ thể bạn từng chút một.”
Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ chỉ mang đến u ám, thậm chí còn che khuất ánh sáng trong cuộc sống của bạn, thì rời đi sớm chính là sự bảo vệ tốt nhất cho bản thân.
Một dấu hiệu trưởng thành của con người là: biết cầm lên được thì cũng buông xuống được, nên cắt thì cắt, nên bỏ thì bỏ, nên rời đi thì rời đi; làm sạch lại vòng tròn xã hội của mình, cuộc sống mới có thể ngập tràn ánh sáng.

01
Trong các mối quan hệ giữa người với người, thứ thực sự kéo sụp bạn chính là “chi phí chìm”.
Pháp sư Hồng Nhất – Lý Thúc Đồng từng nói: “Phàm là những gì bạn cố kiểm soát, thực chất đều đang kiểm soát lại bạn. Khi bạn không còn ham muốn gì, thì cả đất trời là của bạn. Đạo lý vốn giản đơn, vô dục thì cứng rắn, vô vi thì không gì không làm được.”
Khi giao tiếp, càng cố gắng níu kéo một mối quan hệ, bạn lại càng dễ đánh mất chính mình, cuối cùng rơi vào vũng lầy cảm xúc. Nhiều lúc, người ta không buông bỏ được một mối quan hệ không phải vì nó còn mang lại lợi ích gì, mà bởi ba chữ: không cam lòng.
Không cam lòng với tấm chân tình đã bỏ ra, dù gặp phải người không xứng đáng vẫn miễn cưỡng níu kéo mối quan hệ. Không cam lòng với công sức đã dốc ra, nên dù biết sai vẫn tiếp tục đi tiếp con đường cũ.
Đây chính là khái niệm “chi phí chìm” trong kinh tế học. Và đôi khi, điều khiến con người gục ngã, chính là việc cứ đắm chìm trong những tổn thất đã không thể cứu vãn.
Con người thường tiếc thời gian, tiền bạc, sức lực đã mất, nhưng điều đáng tiếc hơn là tiêu hao sinh lực trên một con đường sai lầm. Những người sống thấu suốt, đều có trí tuệ “kịp thời dừng lỗ” – biết thay đổi hướng đi để tự cứu lấy mình.
Năm ngoái, bộ phim tài liệu “Quyết tâm rời đi” thu hút nhiều sự quan tâm. Nhân vật chính là cô dì 56 tuổi nổi tiếng toàn mạng – Tô Mẫn – người đã tự lái xe rong ruổi khắp nơi.
Cô sống với chồng nhiều năm, hầu như việc nhà đều do một mình cô đảm đương, việc chăm con cũng trở thành trách nhiệm mặc định. Dù cô hy sinh rất nhiều, nhưng không nhận được chút tôn trọng hay thấu hiểu từ chồng, ngược lại còn thường xuyên bị châm chọc và dè bỉu.
Chỉ cần cô lên tiếng về mong muốn của mình, chồng liền gán cho cô những lời lẽ khó nghe. Cô muốn gặp lại bạn cũ, cũng bị chồng cho là “thần kinh có vấn đề”.
Vì con cái, vì muốn giữ gìn gia đình, cô đã nhẫn nhịn suốt nhiều năm. Đổi lại, không có sự quan tâm hay cảm thông nào. Thậm chí cô còn mắc chứng trầm cảm vì phải chịu đựng quá lâu. Sau cùng, cô nhận ra rằng cuộc hôn nhân này không còn đem lại bất kỳ giá trị cảm xúc hay sự đồng hành tích cực nào. Mọi sự hy sinh chỉ làm cô kiệt quệ thêm. Cô quyết định mang theo hành lý, rời khỏi cuộc sống khiến mình đau khổ, để đi ra ngoài khám phá thế giới, bắt đầu một hành trình sống khác. Sau một thời gian, cô trở về và đệ đơn ly hôn. Dù phải đánh đổi bằng tiền bạc, nhưng cuối cùng cô đã thoát khỏi sự bế tắc.
Sau khi ly hôn, Tô Mẫn trông rạng rỡ hơn, nụ cười cũng nhiều hơn. Hành trình thức tỉnh của cô giống như một lời nhắc nhở: “Đã rẽ vào ngõ cụt thì nên quay đầu kịp thời. Đừng để cả đời trôi qua trong nuối tiếc.”
Người tỉnh táo là người biết định kỳ xem lại đời sống của mình – thứ gì nên buông thì buông, cái gì nên quên thì quên. Chỉ khi biết kịp thời từ bỏ cái sai, ta mới có cơ hội tái sinh và lựa chọn lại một con đường đúng đắn hơn.
Những người và chuyện tồi tệ trong đời cũng giống như nồi nước lèo đã bị hỏng – đổ bỏ sớm chính là sự lựa chọn sáng suốt nhất.

02
Nửa sau của đời người: Ở bên những người nuôi dưỡng bạn, thật sự rất quan trọng.
Phùng Đường từng nói: “Mối quan hệ tốt nhất là mối quan hệ mà con người có thể nuôi dưỡng lẫn nhau. Như vậy, những mối quan hệ quan trọng ấy mới có thể đồng hành với bạn lâu dài”. Mọi sự thoải mái trong giao tiếp đều đến từ những sự bao dung âm thầm.
Càng lớn tuổi, ta càng không muốn lãng phí thời gian trong những vòng tròn không phù hợp, cũng chẳng còn tâm sức để cố gắng lấy lòng những người không xứng đáng.
Quan điểm giao tiếp tốt nhất là biết sàng lọc các mối quan hệ, không cần cố gắng thay đổi những người không cùng thế giới với mình.
Cuộc sống vốn đã nhiều lo toan, thay vì làm khó bản thân vì những người không quan trọng, hãy dọn dẹp sạch sẽ các mối quan hệ để an yên sống nửa đời còn lại.
Ở bên những người nuôi dưỡng mình, thân tâm mới được thư giãn, nội tâm mới có thể giữ được sự bình yên lâu dài.
Tôi rất thích một đoạn văn của Tô Tần viết: “Đến độ tuổi này rồi, chẳng còn muốn lấy lòng ai nữa, ở bên ai cảm thấy thoải mái thì ở bên người đó, kể cả bạn bè, mệt mỏi thì lùi lại một chút. Thà cô đơn còn hơn sống trái lòng; thà tiếc nuối còn hơn miễn cưỡng.”
Nửa đời sau, hãy chọn những người xứng đáng để kết giao, cùng nhau đi qua mỗi chặng đường trong vòng tròn khiến bạn dễ chịu.
Ở bên người mang lại giá trị cảm xúc cao – dưỡng tâm. Người có tâm thái bình hòa giống như một “máy điều hòa cảm xúc”, có thể giúp bạn giảm bớt 40% lo âu.

Chỉ cần trò chuyện hằng ngày cũng đã có thể hồi phục năng lượng tinh thần. Khi gặp khó khăn, họ luôn đưa ra phản hồi tích cực, giúp bạn lấy lại tự tin, ngừng than vãn và tìm được phương hướng trong cuộc sống. Đồng hành với người có cùng tam quan – dưỡng chí
Tam quan tương đồng, nhận thức ngang hàng thì giá trị mới đồng điệu. Có thể giảm bớt 70% những tranh cãi vô nghĩa, tập trung tinh lực vào những việc thật sự quan trọng. Người đồng chí hướng sẽ cùng bạn ngắm cảnh đẹp, cùng theo đuổi điều mình yêu thích, chỉ số hạnh phúc cũng theo đó mà tăng cao. Sánh bước cùng người làm việc đáng tin – dưỡng phúc
Người giả dối chỉ nói bằng miệng, người chân thành trao bằng cả tấm lòng. Gặp được bạn bè hay bạn đời đáng tin cậy, bất kể đời người trải qua giông tố thế nào, sâu trong lòng vẫn luôn có một nơi bình yên để trở về.
Trên đường đời, khi có người ấm áp đồng hành, cuộc sống tự nhiên sẽ tràn ngập ánh nắng.

Hòa thượng Tinh Vân từng nói một câu rất thấm thía: “Thế nhân tham lam, luôn muốn tìm cách vẹn toàn đôi đường, nhưng trên đời hiếm có sự toàn mỹ. Trăm năm nhân sinh, cốt lõi là học cách lựa chọn.”
Một đời người, điều đau khổ nhất chính là “sống gượng ép”, nhưng bạn hoàn toàn có thể:
Sớm buông tay những điều sai, cùng người đúng đắn sống an nhiên đến cuối đời. Chặng đường về sau, mong bạn gặp toàn điều ấm áp, đi qua mọi nẻo đường đều bằng phẳng, nắm tay những người nuôi dưỡng tâm hồn mình, vui vẻ đi hết mỗi đoạn đời.