Nếu chỉ nhìn tựa phim, nhiều người tưởng “Sex Education” chỉ là một bộ phim nói về những chuyện tế nhị. Thế nhưng thực tế, bộ phim này lại là kho tàng về những mẹo dạy con cực hay. Tôi đã “bỏ túi” được một trong số đó khi xem phim “Sex Education”: Dạy con hiểu và tôn trọng cảm xúc của chính mình.
Các nhân vật trong phim “Sex Education” (Ảnh: Netflix).
Nỗi bất lực khi dạy con
Tôi luôn nghĩ rằng, là một người mẹ là phải dạy con “đi đúng đường”, tránh được cho con những vấp ngã và khổ đau. Thế nhưng rất nhiều lần, tôi đành “bó tay”, bất lực khi con lầm lì, phụng phịu, cáu giận hoặc bật khóc mà không rõ lý do. Những lúc ấy tôi hỏi: “Con làm sao thế?”, “Sao con lại khóc?”. Và rất nhiều lần, con chỉ đáp lại tôi với đôi mắt ngấn nước: “Con không biết ạ”.
Con càng lớn, nỗi bất lực đó của tôi lại càng tăng. Nhiều khi tôi tự hỏi, liệu mình có sai ở đâu không. Khi không tìm được câu trả lời, trong lúc bực tức, tôi mắng con là phiền phức, yếu đuối, nhõng nhẽo. Cho đến khi tôi xem phim “Sex Education”, tôi mới vỡ lẽ hóa ra tôi chưa biết cách dạy con.
Tôi nhận ra điều này nhờ vào nhân vật Otis và Aimee trong phim “Sex Education”. Otis là con trai của Jean – một nhà trị liệu tình dục. Jean rất giỏi “đọc vị” người khác, nhưng lại thường xuyên xâm phạm không gian cảm xúc của chính con mình. Bà lén đọc nhật ký của Otis, đặt quá nhiều câu hỏi mà không cần biết con đã sẵn sàng trả lời hay chưa.
Khi Otis phát hiện mẹ đã vi phạm ranh giới riêng tư, cậu bật khóc, giận dữ, thu mình lại và xa lánh mẹ. Sau đó, Jean đã thay đổi. Bà không còn cố phân tích mà bắt đầu ngồi xuống và hỏi con rằng: “Con đang cảm thấy thế nào?”. Chính câu hỏi đó đã giúp Otis học được cách gọi tên cảm xúc của mình để đối mặt mà không cảm thấy xấu hổ hay mặc cảm. Otis bắt đầu nhận ra đôi khi mình buồn, lo lắng, tổn thương và tất cả những điều đó là hoàn toàn bình thường.

Nhân vật Aimee và Otis trong phim “Sex Education” (Ảnh: Netflix)
Tương tự như Otis, Aimee cũng học được rằng ai cũng được phép yếu đuối và nói ra nỗi đau. Aimee là một cô gái luôn tươi vui, hòa đồng. Nhưng sau khi bị quấy rối tình dục trên xe bus, Aimee trở nên sợ hãi mỗi khi ở một mình. Cô cũng sợ động chạm, sợ đi xe bus và không thể gọi tên nỗi đau của mình. Cô đã giấu chuyện này trong một thời gian dài vì nghĩ “mọi chuyện sẽ ổn thôi”.
Nhưng khi được bạn bè khích lệ chia sẻ, Aimee đã bật khóc và nói ra nỗi sợ hãi của mình. Và đó cũng là lúc Aimee bắt đầu được chữa lành. Cô được bạn bè động viên đối diện với nỗi sợ để biết rằng cô không hề yếu đuối mà chỉ đang học cách hồi phục.
Trong tâm lý học, kỹ năng này gọi là “nhận diện và điều tiết cảm xúc”. Đây là một thành tố quan trọng trong trí tuệ cảm xúc. Khi một đứa trẻ biết mình đang cảm thấy gì, chúng sẽ không bị cảm xúc chi phối mà có khả năng phản ứng lành mạnh thay vì đè nén hay bộc phát một cách tiêu cực.
Xem phim “Sex Education”, tôi thay đổi cách dạy con
Khi chứng kiến Otis và Aimee đối diện với cảm xúc thật, tôi hiểu rằng khi mình phủ nhận cảm xúc của con cũng là lúc con bắt đầu học cách chối bỏ chính mình. Vì thế, tôi đã thay đổi. Tôi không còn hỏi “Con làm sao thế?”. Thay vào đó, tôi nói: “Mẹ thấy con đang có điều gì đó khó chịu. Nếu con muốn chia sẻ, mẹ sẽ ở đây để nghe”.
Và dần dần, con đã bắt đầu nói. Không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng ít nhất, con biết cảm xúc của mình là có giá trị.
Dạy con, không phải cứ cho ăn học đầy đủ đã là tốt. Dạy con biết vượt lên chính cảm xúc của mình không quan trọng bằng việc dạy con lắng nghe cảm xúc ấy, tôn trọng nó và học cách gọi tên nó một cách trung thực. Những điều đó tôi không học được từ sách vở nuôi dạy con nào mà học “lỏm” được khi xem phim “Sex Education”, một bộ phim tưởng chỉ để giải trí, hóa ra lại giúp tôi làm một người mẹ tốt hơn.