Nghe bạn bè mách bảo, tôi xem phim “Sex Education” để tìm cách đối phó với hai đứa con đang tuổi ẩm ương. Lúc đầu, tôi không kỳ vọng nhiều khi nhìn tên phim. Thế nhưng, “Sex Education” đã khiến tôi bất ngờ. Bởi bộ phim này không chỉ cho tôi thêm góc nhìn để trò chuyện với con mà còn giúp tôi sửa một sai lầm cực lớn trong cách dạy con. Sai lầm này suýt nữa khiến tổn thương trong lòng con tôi có thể mãi mãi không lành được.
Tôi nhìn thấy những đứa trẻ tự trách mình trong phim “Sex Education”
Trong phim “Sex Education”, tôi đặc biệt chú ý đến Maeve, Otis và Ruby – ba nhân vật nổi bật nhưng đều mang trong mình những tổn thương sâu sắc. Điều khiến tôi ám ảnh không phải là hoàn cảnh mà là cách các em tự trách bản thân, nhiều khi đến mức bất công.
Ba nhân vật Ruby, Otis và Maeve (từ trái sang) trong phim “Sex Education” (Ảnh: Netflix).
Maeve, cô gái sắc sảo và mạnh mẽ, luôn cảm thấy mình là gánh nặng của người khác. Cô trách mình vì mẹ nghiện ngập và đã bỏ mặc Isaac – em trai của cô. Ngay cả khi có cơ hội được người khác công nhận tài năng của cô, cô vẫn nghi ngờ chính mình, luôn đặt câu hỏi: “Liệu mình có xứng đáng hay không?”
Otis – một cậu học sinh được nuôi dạy bởi một người mẹ là chuyên gia tư vấn tình dục – lại là người rất hay day dứt vì những lỗi nhỏ. Cậu tự trách mình vì đã không nói ra cảm xúc, vì để mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. Dù nhiều người hiểu và thông cảm, Otis vẫn không ngừng tự vấn: “Lẽ ra mình nên làm khác đi”.
Ruby thì khác. Là người được coi là “nữ hoàng” trường học, tự tin, sắc sảo, nhưng đằng sau lớp vỏ đó lại là một cô gái luôn lo sợ người khác thấy mình không hoàn hảo. Khi mối quan hệ với Otis tan vỡ, Ruby không giận cậu mà giận chính mình vì đã để lộ con người thật, vì đã để mình yếu đuối.
Ba đứa trẻ, ba hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có điểm chung: tự trách bản thân đến đau đớn.
Tôi giật mình nghĩ tới con khi xem phim “Sex Education”
Tôi luôn dạy các con biết tha thứ, biết bao dung với người khác. Tôi từng tự tin rằng như thế là đủ. Nhưng tôi đã quên dạy con một điều quan trọng không kém: tha thứ cho chính mình. Để rồi khi chứng kiến 3 nhân vật trong “Sex Education” tự dằn vặt bản thân, tôi ngay lập tức nhớ tới con gái lớn của mình.

Chứng kiến các nhân vật trong “Sex Education” tự dằn vặt bản thân, tôi nhớ tới con và nhận ra sai lầm khi dạy con (Ảnh: Netflix).
Cách đây hơn 5 năm, một buổi chiều tôi có việc đột xuất phải ra ngoài. Tôi dặn con gái ở nhà trông em. Lúc đó, con gái lớn của tôi 10 tuổi, con út 4 tuổi. Thế nhưng, ở nhà, con út của tôi bị ngã, phải khâu 3 mũi ở trán và sau đó tạo thành vết sẹo có hình tam giác cho tới tận bây giờ. Tôi không trách con lớn vì mải chơi cùng các anh chị họ đến quên mất em. Tôi nghĩ có lẽ con gái lớn cũng quên việc này rồi.
Cho đến một hôm, cả nhà ngồi chơi, tôi đùa vui nhắc lại: “Đây là vết sẹo tam giác huyền thoại của em”. Mọi người cười, riêng con gái lớn im lặng. Sau đó con bỏ lên phòng.
Tôi thấy lạ, bước theo, gõ cửa. Con mở cửa. Vừa nhìn thấy tôi, nó bật khóc nói: “Chỉ tại con mà em mới bị ngã. Tại con không trông em. Giờ mặt em vẫn còn sẹo”.
Tôi chết lặng. Hóa ra, nó đã giữ trong lòng suốt bao năm trời nỗi dằn vặt ấy. Và tôi, người mẹ luôn miệng dạy con tha thứ cho người khác, lại chưa từng dạy con cách tha thứ cho chính bản thân mình.
Dạy con tha thứ cho mình – điều nhiều cha mẹ hay quên
Không ít cha mẹ giống tôi, dạy con lễ phép, vị tha nhưng lại bỏ quên việc dạy con phải bao dung với chính mình.
Sau chuyện đó, tôi đọc lại rất nhiều tài liệu, và nhận ra rằng: khi trẻ em không biết cách tha thứ cho mình, chúng dễ phát triển tâm lý tự trách, kéo dài đến tuổi trưởng thành, thậm chí trở thành trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Nhưng tôi đã kịp sửa sai. Tôi ôm con vào lòng và nói: “Lỗi là ở mẹ. Mẹ đã không nói cho con biết: ai cũng từng mắc lỗi và quan trọng là con biết tha thứ cho chính mình”.